Icon
Gọi ngay
0937076557

Sau thời gian dài ế ẩm, nhiều chủ nhà mặt phố tại trung tâm Hà Nội chấp nhận giảm giá thuê từ 15-20% nhằm thu hút khách thuê trở lại và tránh để tài sản bị bỏ không.

Chị Phương Linh, chủ một cửa hàng phụ kiện thời trang, vừa quyết định trả lại mặt bằng tại phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) sau gần hai năm thuê chung với một cửa hàng khác. Căn nhà 4 tầng, diện tích sàn 180 m², được thuê với giá 60 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, sau khi đối tác kinh doanh phía dưới rút lui, dù chủ nhà đã giảm còn 50 triệu đồng, chị Linh vẫn không thể duy trì do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. "Có ngày chưa đến 5 khách ghé cửa hàng, việc trả mặt bằng là cần thiết để giảm áp lực chi phí", chị nói.

Tình trạng tương tự diễn ra trên phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nơi một căn nhà mặt tiền rộng 50 m², diện tích sàn khoảng 200 m² dù đã được giảm giá thuê xuống còn 45 triệu đồng mỗi tháng vẫn không tìm được khách suốt nửa năm qua. Chủ nhà cho biết: "Thời buổi khó khăn, phải chấp nhận thương lượng giá để đỡ lãng phí tài sản".

Theo ghi nhận từ các môi giới, hiện tượng chủ nhà phố giảm giá thuê từ 15-20% xuất hiện ngày càng phổ biến. Anh Minh Tuấn, môi giới nhà phố với hơn 8 năm kinh nghiệm tại Hà Nội, nhận định thị trường đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Một số hệ thống thời trang lớn đã đóng gần hết các điểm bán, chỉ giữ lại một vài mặt bằng làm kho hàng.

"Thời điểm trước, khách thuê tranh nhau, chủ nhà hét giá vẫn có người thuê. Nay, nhiều chủ phải chủ động giảm giá 10-15% cho cả hợp đồng, thậm chí giảm tới 30% trong 1-3 tháng đầu", anh Tuấn chia sẻ.

Khảo sát của VnExpress cho thấy nhiều nhà phố treo biển cho thuê dài ngày trên các tuyến phố lớn như Kim Mã, Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu, Phố Huế... Một phần nguyên nhân đến từ chiến dịch kiểm tra hàng giả của chính quyền khiến hoạt động bán lẻ tại khu trung tâm càng thêm ảm đạm.

Dữ liệu từ Batdongsan cho thấy mức độ quan tâm tới nhà mặt phố trong tháng 5 giảm 8% so với tháng trước. Một số khu vực như Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Quan Hoa, Láng Hạ... ghi nhận giá chào thuê sụt 15-33% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định khách thuê hiện chiếm ưu thế. "Trước đây, nhà mặt phố luôn khan hiếm, chủ nhà có quyền định giá. Giờ đây, cung vượt cầu, người thuê có nhiều lựa chọn hơn", ông nói.

Xu hướng dịch chuyển khỏi nhà phố ngày càng rõ nét khi thương mại điện tử phát triển mạnh. Nhiều thương hiệu thời trang, F&B thu hẹp quy mô, chuyển sang trung tâm thương mại hoặc bán online để tiết giảm chi phí. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho rằng mặt bằng nhà phố mất dần sức hút do giá thuê bị đẩy cao trong thời gian dài, cùng với điều kiện thanh toán khắt khe.

"Hiện nhiều thương hiệu trong nước thay đổi thị hiếu, trong khi nhãn hàng quốc tế lại ưu tiên vị trí tại trung tâm thương mại, khiến nhà phố dần thất thế", bà Minh nhận định.

Theo các chuyên gia, để thu hút khách thuê, chủ nhà cần linh hoạt hơn về giá cả, diện tích, tiến độ thanh toán và điều khoản hợp đồng. Đồng thời, người thuê cũng cần quan tâm đến yếu tố an toàn cháy nổ, nhất là trong bối cảnh các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra công trình cải tạo, chuyển đổi công năng.