Ngày 16/6, UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho các phân khu thuộc khu đô thị Aqua City, gồm Khu đô thị Aqua City và Aqua Waterfront City. Cùng ngày, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500 cho Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng (phân khu Phoenix) cũng được thông qua.
Đây được xem là bước ngoặt quan trọng giúp Aqua City — dự án chiến lược của Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) — hoàn thiện thủ tục pháp lý, đồng bộ hóa với quy hoạch phân khu C4 tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch chung TP Biên Hòa tỷ lệ 1/10.000. Theo đại diện Novaland, việc hoàn thiện pháp lý là cơ sở để tiếp tục triển khai các thủ tục kinh doanh, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức tài chính giải ngân các gói tín dụng đã cam kết trước đó.
Aqua City có quy mô gần 1.000 ha, được định hướng phát triển thành khu đô thị vệ tinh phía Đông TP HCM. Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn từng nhấn mạnh đây là "dự án mấu chốt, mang tính sống còn của doanh nghiệp". Tuy nhiên, từ năm 2021, dự án bị đình trệ do vướng mắc trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và chưa thống nhất về quỹ đất nhà ở xã hội. Đến tháng 11/2022, hơn 750 căn biệt thự tại dự án bị thu hồi quyết định đủ điều kiện mở bán, dù đã hoàn thiện.
Sau khi được Tổ công tác của Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ, Aqua City bắt đầu được tái khởi động từ cuối tháng 6/2023. Đến tháng 8/2024, Novaland được phép mở bán một số căn đã xây dựng và bàn giao từ tháng 11/2023.
Để thúc đẩy tiến độ, hơn 3.250 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân cho dự án. Ngoài ra, một số tổ chức tài chính cam kết cung cấp thêm các gói vay tổng trị giá tối đa 10.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, bàn giao nhà trong giai đoạn 2025–2026.
Tính đến nay, Novaland đã bàn giao hơn 900 căn biệt thự, nhà phố tại Aqua City. Trong năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu bàn giao thêm 440 sản phẩm cùng hàng loạt tiện ích như trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, chuỗi nhà hàng, phòng khám...
Tuy nhiên, bài toán tài chính vẫn là thách thức lớn với Novaland. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025, doanh nghiệp dự kiến lỗ từ 12 tỷ đến 688 tỷ đồng, tùy thuộc vào tiến độ pháp lý các dự án. Tính đến hết quý I, tổng dư nợ vay của Novaland ở mức hơn 59.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2024 và trước thời điểm tái cấu trúc năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã chậm thanh toán hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu do chưa thu xếp được dòng tiền, và đang trong quá trình đàm phán các giải pháp tái cơ cấu tài chính. Novaland thừa nhận, khi công tác pháp lý chưa đạt kỳ vọng, khả năng thu xếp nguồn trả nợ từ nay đến cuối năm 2026 là không khả thi.